TTTĐ - Cùng với những vấn đề về môi trường được các nhà khoa học, báo chí, truyền thông lên tiếng, với những hệ lụy do biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt xảy ra gần đây, mỗi người dân đều có ý thức hơn trong việc bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Xanh hóa lối sống, chung tay vì thế giới ngày mai chính là một trong những biện pháp mà bất cứ ai cũng có thể làm được
Có thể nói, vì sự tiến bộ của nhân loại, vì cuộc sống của chính chúng ta và con cháu sau này, trào lưu “sống xanh - sống bền vững” đang được toàn thế giới hưởng ứng mạnh mẽ. Thực ra, sống xanh không có gì khó khăn hay cầu kì, sao siêu, khó thực hiện.
Người dân thu gom rác thải du khách vứt bừa bãi (Ảnh: Vương Đức)
Có thể nói, vì sự tiến bộ của nhân loại, vì cuộc sống của chính chúng ta và con cháu sau này, trào lưu “sống xanh - sống bền vững” đang được toàn thế giới hưởng ứng mạnh mẽ. Thực ra, sống xanh không có gì khó khăn hay cầu kì, sao siêu, khó thực hiện.
Bắt đầu chỉ là từ suy nghĩ. Khi chúng ta có nhận thức, có suy nghĩ cần phải sống xanh thì tư duy quyết định hành động, sẽ dẫn đến việc bạn hình thành nên thói quen và hành động thường xuyên, liên tục. Đó là tránh lãng phí thực phẩm, tái sử dụng đồ vật, sử dụng những vật liệu tái sử dụng, hạn chế rác thải nhựa, đặc biệt là thay đổi phương thức di chuyển hoặc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Việc làm này của chúng ta sẽ góp phần giảm khí carbon thải ra môi trường, có lối sống gần gũi với thiên nhiên hơn. Môi trường được bảo vệ, giảm bớt khí thải gây ô nhiễm, chính là chúng ta đang hướng tới sự phát triển bền vững cho tương lai trên hành tinh này.
Tất cả chúng ta đều biết, nhịp sống công nghiệp hiện đại ngày nay mang lại nhiều giá trị vật chất, mức sống chúng ta được cải thiện hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển như vũ bão, guồng quay công nghiệp cũng tạo ra biết bao nhiêu hệ lụy.
Đầu tiên phải kể đến lượng rác thải khổng lồ do các ngành công nghiệp tạo ra. Đó là vấn đề khiến thế giới đau đầu. Song, không phải chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bản thân những người tiêu dùng cũng đang gián tiếp gây ra tác hại cho môi trường. Cùng với việc tiêu thụ những sản phẩm làm từ nhựa, cùng với việc sử dụng vô tội vạ nguồn nước sạch, cùng với việc coi thường của cải vật chất, mua bán, tiêu xài “cho bõ” gây ra lượng thức ăn thừa, bỏ đi, vô cùng lãng phí.
Cùng với đó là việc phá rừng, khai thác tận diệt các nguồn lợi thủy hải sản làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng hệ sinh thái… Tất cả những điều đó làm gánh nặng cho Trái Đất trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Khi thiên nhiên không thể ôn hòa, sẽ trút giận lên con người.
Môi trường, khí hậu bị ảnh hưởng thì sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống chúng ta bằng những trận thiên tai, lụt lội khủng khiếp. Còn trong cuộc sống hàng này, sức khỏe của chính chúng ta cũng bị suy giảm, đe dọa.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy, con người quá mong manh trước tự nhiên. Con người cần phải nâng cao thể trạng, bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng bằng từng việc làm thiết thực. Trong đó, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên xanh chính là việc mà mỗi người đều có thể tự làm được, tự lan tỏa với nhau lối sống xanh. Cùng nhau quyết định, cùng nhau lan tỏa, cùng nhau hưởng ứng để hướng đến sự phát triển bền vững nhằm giảm tác động tiêu cực lên môi trường sống cũng như bảo vệ sức khỏe của con người là cách chúng ta “sống xanh” một cách dễ dàng, thuận tiện nhất.
Mỗi người đều có thể tự giảm thiểu gánh nặng đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên trên Trái Đất và lan tỏa đi thông điệp bảo vệ môi trường, mang lại cuộc sống tươi đẹp hơn bằng chính lối sống hàng ngày của mình.
Người dân trồng cây xanh (Ảnh: Vương Đức)
Thấu hiểu những tác hại của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hòa trong xu thế của thế giới, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” được Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành phê duyệt xác định mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên, cùng với đó là tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Điều này cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ cùng chung tay với thế giới trong các vấn đề chung của nhân loại. Đồng thời, điều này cũng thể hiện Chính phủ vô cùng chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân.
Chính vì thế, chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP.
Trong đó, đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; Ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững...
Đến năm 2050, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và 100% nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 15%; Ít nhất 45 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững...
Cùng thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đề ra, thay đổi lối nghĩ, lối sống, lan tỏa trào lưu “sống xanh” chính là cách để chúng ta cùng nhau bảo vệ hành tinh xanh, yêu thương hơn Trái Đất và tăng chất lượng sống, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cho gia đình mình.
Hương Thu
Tác giả bài viết: Thanh Nhàn (Tổng hợp)
Nguồn tin: tuoitrethudo.com.vn
Ý kiến bạn đọc