Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu là chưa tiêm vaccine và thường gặp ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại.
Đường lây truyền của bệnh dại
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình "tàn phá".
Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Bệnh dại có 2 thể: thể cuồng và thể liệt.
Cách xử trí khi bị động vật cắn để phòng bệnh dại:
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị, do vậy việc tiêm vaccine là biện phát dự phòng và cách điều trị duy nhất giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử.
Khi bị chó, mèo cắn hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với chó, mèo có nhiễm dại, cần:
- Ngay lập tức rửa vết thương với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị càng sớm càng tốt.
Lưu ý, tránh sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương
Cách phòng bệnh dại:
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.
- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.
- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
- Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.
- Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.
- Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 nhằm phấn đấu không để dịch bệnh Dại trên động vật xảy ra; khi có dịch bệnh, phát hiện kịp thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức cho người nuôi chó về việc phòng chống bệnh Dại, chủ động tiêm phòng bệnh Dại đối với chó nuôi và tác động đến người nuôi chó trong việc nhốt chó trong khuôn viên nhà, không thả rông chó ra đường, nơi công cộng, tránh để chó cắn người lây lan dịch bệnh và gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% kế hoạch; chủ nuôi tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo đúng quy định. Không thả rông chó, mèo ra nơi công cộng; chủ động giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát hiện sớm, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và khống chế kịp thời khi dịch ở diện hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp xã, phường tại thị xã Hòa Thành vào năm 2025.
Tác giả bài viết: Minh Hiếu (Tổng hợp)
Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc